Với tuổi đời còn khá trẻ nhưng cô giáo Nguyễn Thị Hằng - giáo viên Tiếng Anh trường THCS Nguyễn Lân đã có nhiều năm gắn bó với nghề dạy học. Lòng mến trẻ, yêu nghề, tâm huyết và không ngừng sáng tạo… chính là tiếng thơm lan tỏa trong lòng đồng nghiệp, bạn bè và cấp trên dành cho cô.
Trường THCS Nguyễn Lân - một trong những trường công lập tuy mới thành lập nhưng có chất lượng cao của Quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại đi đôi với yêu cầu về công tác giảng dạy chất lượng, hiệu quả. Có thể nói, đây cũng là một điều kiện tốt để cô giáo Hằng triển khai cách giảng dạy trực quan, sinh động, hiệu quả đối với bộ môn Tiếng Anh. Tuy nhiên, đây cũng là phương pháp giảng dạy đòi hỏi người giáo viên phải luôn luôn đổi mới, có cách thức tương tác phù hợp đối với học sinh. Vì vậy để có được các tiết học trực quan sinh động, cô Hằng đã chủ động tìm hiểu thêm nhiều sách báo, thông tin qua mạng Internet và đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy. Không chỉ vậy, cô còn áp dụng các phương pháp giảng dạy mới theo các chương trình Tiếng Anh liên kết như Phonics, Language Link,... Chính nhờ có lòng nhiệt tình trong công việc, cùng sự cố gắng, nỗ lực nâng cao chuyên môn và đổi mới sáng tạo đã giúp cô có nhiều tiết dạy thành công và đạt chất lượng cao, thu hút được sự chú ý của học sinh và giúp các em hiểu bài.
Cô từng chia sẻ: tục ngữ có câu “Học thầy không tày học bạn”, đối với cô, người thầy dạy mình không chỉ là sách vở mà còn là chính bạn bè xung quanh chúng ta. Để trau dồi vốn kiến thức cho bản thân, cô luôn học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, đồng nghiệp; tích cực tham gia các khóa học bồi dưỡng năng lực cho giáo viên Tiếng Anh. Dù đó là những chuyến đi xa, biết trước sẽ có vất vả, khó khăn, nhưng cô đều không hề e ngại, vì với cô đi càng nhiều để biết được học sinh khắp mọi miền Tổ quốc học Tiếng Anh như thế nào, để hiểu những khó khăn của các em và đem lại sự giúp đỡ. Có bài hát rằng “Ta đi thật xa để trở về”, tôi tin rằng với cô Hằng, trở về sau mỗi chuyến đi không phải là bàn tay trắng mà là bàn tay ôm cả kiến thức mới, phương pháp mới và nụ cười hạnh phúc trên môi. Và không chỉ là sự giao lưu, hiểu thêm về những khó khăn của các em học sinh khi học Tiếng Anh, mà còn là sự chia sẻ, thấu cảm với những người đồng nghiệp đang ngày đêm trăn trở về những phương pháp giúp các em học sinh tiến bộ trong việc học Tiếng Anh như cô.
Trong năm học vừa qua, tại trường THCS Nguyễn Lân, qua khảo sát cho thấy Tiếng Anh được coi là một trong những môn học được yêu thích nhất của học sinh. Các em chia sẻ rằng mình không hề cảm thấy áp lực khi đến giờ học Tiếng Anh mà ngược lại, các em rất háo hức, mong chờ đến giờ học. Điều này có được là nhờ công lao to lớn của người chèo lái con tàu tổ Tiếng Anh của trường. Để giúp học sinh hiểu bài nhanh và yêu thích môn học, cô tích cực tìm tòi, tiếp cận với các phương pháp mới, áp dụng vào giảng dạy. Cô Hằng đã hướng dẫn các em sử dụng các phần mềm, trang web học Tiếng Anh trực tuyến; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi Tiếng Anh và sinh hoạt câu lạc bộ Tiếng Anh tại trường để các em làm quen và thích ứng, nâng cao khả năng giao tiếp. Cả học sinh và phụ huynh đều vô cùng thích thú và hưởng nhiệt tình, đồng thời thúc đẩy động lực học Tiếng Anh của các em.
Đặc biệt, khi giảng dạy cô thường kết hợp, gắn liền bài học với các hoạt động thực tế giúp học sinh chủ động chiếm lĩnh kiến thức, được thỏa mãn sự hiếu kỳ, thích khám phá và quan trọng hơn là thúc đẩy học sinh đam mê, yêu thích môn học. Chính bởi có sự đổi mới ấy mà các giờ học Tiếng Anh của các em học sinh Trường trung học cơ sở Nguyễn Lân trở nên hấp dẫn, hiệu quả hơn.
Cùng với sự đổi mới trong công tác giảng dạy, trong việc kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh, cô cũng cố gắng thay đổi để phù hợp với các em hơn. Thông thường theo lối dạy học truyền thống thì mức độ đánh giá chỉ dừng lại ở kỹ năng viết. Tuy nhiên, để tránh gây áp lực và tạo cho các em sự thụ động, cô đã linh hoạt áp dụng đánh giá năng lực toàn diện cho học sinh ở cả 4 kỹ năng: nghe - nói - đọc - viết. Mục đích là giúp các em đạt chuẩn kiến thức và kỹ năng giao tiếp, tự tin hơn. Điều này sẽ giúp ích cho các em rất nhiều trong tương lai, như là việc du học, hay lựa chọn khối ngành theo học và nghề nghiệp sau này. Học sinh và phụ huynh học sinh đã vô cùng cảm kích cô vì điều này. Học sinh chia sẻ rằng: “Trước đây em không thích học Tiếng Anh trong sách vở mà chỉ thích xem các bộ phim Tiếng Anh. Thậm chí điểm kiểm tra ngữ pháp của em thường rất kém. Sau khi cô Hằng áp dụng phương pháp đánh giá năng lực với bốn kĩ năng nghe – nói – đọc – viết, cô đã phát hiện ra khả năng nghe và nói Tiếng Anh của em rất tốt”. Cô đã động viên và thông báo điều này đến gia đình em. Học sinh đó rất phấn khởi, em hứng thú với môn Tiếng Anh nhiều hơn. Em thường xuyên tham gia dẫn chương trình Tiếng Anh của lớp, trường, và các câu lạc bộ Tiếng Anh. Từ một học sinh tự ti về môn học này, một học sinh còn khá mù mờ về tương lai của mình, em trở nên tự tin hơn và biết ước mơ của bản thân sau này là gì. Đó là trở thành MC Tiếng Anh trên đài VTV. Ai nói giáo viên chỉ là những người lái đò thầm lặng, cô Hằng còn trở thành một nhà ươm mầm các hạt giống tương lai. Điều này thật có ý nghĩa biết bao!
Nhận xét về cô giáo Nguyễn Thị Hằng, giáo viên trường THCS Nguyễn Lân cho biết: Cô Hằng là giáo viên dạy giỏi cấp Quận, là một tấm gương về sự say mê, tâm huyết, sáng tạo và yêu nghề để các giáo viên trẻ học tập. Từ những bài giảng của mình, cô Hằng đã thực sự "truyền lửa" cho học sinh, tiếp thêm cho các em niềm say mê học tập và sáng tạo, luôn có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, bảo đảm về khối lượng, chất lượng, thời gian và hiệu quả công việc và chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Là một giáo viên giỏi, cô Hằng luôn ý thức được trách nhiệm của người giáo viên không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt những kiến thức trên lớp mà còn phải trở thành những người bạn thân thiết của học trò. Chính bởi thế, cô luôn dành thời gian quan tâm lắng nghe những tâm tư, khúc mắc của học sinh học yếu, nhút nhát. Đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cô cố gắng tạo mọi điều kiện giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần để các em yên tâm học hành. Bằng trái tim nhân hậu, trách nhiệm và tình yêu nghề, cô không chỉ khiến học sinh yêu thích, đam mê môn tiếng Anh mà còn giành nhiều thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp trường.
Chính tất cả những điều trên đã giúp cô trở thành một trong những cá nhân tiêu biểu của trường về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh. Tuy nhiên với những gì cảm nhận được ở công việc và con người cô, tôi tin rằng chính sự mến phục của đồng nghiệp, sự kính trọng của học trò và sự tín nhiệm của các bậc phụ huynh mới chính là phần thưởng cao quý nhất mà cô đã nhận được.
Có thể nói, cô giáo Hằng đã truyền cho lớp Đoàn viên trẻ nói riêng và tất cả những người giáo viên nói chung ngọn lửa của sức trẻ, của niềm đam mê, nhiệt huyết và bản lĩnh vượt qua mọi khó khăn. Đối với tôi, cô Hằng như một bông hoa rực rỡ cả về năng lực và nhân cách. Chính cô là một tâm gương sáng người tốt việc tốt mà tôi luôn cố gắng noi theo, phấn đấu trở thành. Với lòng nhiệt huyết yêu nghề, sự cố gắng hết mình vì công việc, cô giáo Nguyễn Thị Hằng đã và đang nỗ lực cùng tập thể giáo viên nhà trường xây dựng trường THCS Nguyễn Lân trở thành điểm sáng trong sự nghiệp “trồng người” của Quận Thanh Xuân. Tôi hy vọng và tin tưởng vào những gì cô đã và đang làm, cô sẽ chắp cánh cho những ước mơ bay cao, bay xa để góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh nói chung, nhà trường THCS Nguyễn Lân ngày càng vững bước đi lên nói riêng.