Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành sắc lệnh số 65/SL về bảo tồn cổ vật, di tích trên toàn lãnh thổ Việt Nam, phản ánh những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản, sâu sắc đối với việc bảo tồn di sản văn hóa, khẳng định việc bảo tồn “là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”.
Nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được bảo vệ và phát huy giá trị, nhiều di tích đã trở thành điểm tham quan thường xuyên của du khách, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội, góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô với bạn bè quốc tế. Trong suốt thời gian qua, di sản văn hóa Việt Nam đã thực sự khẳng định được vị trí, vai trò trong đời sống xã hội, có sức lan tỏa mãnh liệt nhưng đồng thời cũng đang đối mặt với những thách thức to lớn, những tác động trực tiếp từ thiên nhiên, môi trường và con người.
Để hưởng ứng ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11, sáng ngày 23/11/2020, trường THCS Nguyễn Lân đã tổ chức chương trình Hưởng ứng ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Chương trình có sự hiện diện của cô giáo Nguyễn Khánh Huyền – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường; cô giáo Phạm Thị Thanh Tâm – Phó Hiệu trưởng nhà trường cùng toàn thể các thầy cô giáo và gần 600 em học sinh trường THCS Nguyễn Lân.
Mở đầu chương trình, tập thể lớp 9A2 đã mang tới một tiết mục múa “Giấc mơ trưa” với những giai điệu êm dịu, từng động tác vô cùng uyển chuyển, nhẹ nhàng. Chiếc nón lá và tà áo dài trắng đậm đà bản sắc dân tộc đã được lớp 9A2 khéo léo đưa vào tiết mục, khiến điệu múa vô cùng đặc sắc.
Lớp 9A2 đã gửi tới tiết mục múa “Giấc mơ trưa” đầy nhẹ nhàng để mở đầu chương trình
Bên cạnh đó, rất nhiều câu hỏi đã được đưa ra để học sinh trường THCS Nguyễn Lân hiểu rõ hơn về di sản văn hóa Việt Nam. Thông qua chương trình, các em đã biết các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, nắm được các thông tin quan trọng. Từ đó, học sinh trường THCS Nguyễn Lân được bồi đắp thêm tình yêu quê hương, sự trân trọng, giữ gìn, bảo vệ những di sản đất nước.
Những câu hỏi được đặt ra để các em học sinh trường THCS Nguyễn Lân tiếp thu thêm kiến thức, hiểu biết
Chương trình đã khép lại với tiết mục hát song ca “Bèo dạt mây trôi”. Vẫn là một bài ca quen thuộc với các thế hệ học sinh và bao người Việt Nam, từng lời hát đã in dấu sâu trong tâm trí người nghe. Đồng thời, qua những tiết mục ấy, các em học sinh đã được trau dồi thêm kiến thức, hiểu biết, từ đó có những việc làm thiết thực nhằm góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam.
Tiết mục hát “Bèo dạt mây trôi” với giọng trầm ấm của các bạn nam đã khép lại chương trình