Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút, có khả năng lây nhiễm cao và lây lan rất nhanh trong cộng đồng. Có 2 nguyên nhân chính gây ra tỷ lệ mắc Cúm cao ở thời điểm này:
- Do thời thời điểm này là giao mùa đông xuân, thời tiết thay đổi nóng, lạnh, ẩm thất thường trong ngày, tạo điều kiện cho các loại vi rút đường hô hấp phát triển trong đó có vi rút Cúm.
- Cũng do thời tiết thay đổi thất thường khiến cho sức đề kháng của chúng ta suy giảm, nhất là trẻ em, nên tỷ lệ nhiễm các loại vi rút đường hô hấp tăng cao, trong đó có Cúm
* Cúm A lây nhiễm như thế nào và những đối tượng nào dễ mắc phải?
Vi rút cúm A có thể dễ dàng lây lan từ người sang người giống như cách lây lan của cúm thường qua không khí có chứa các hạt nước nhỏ li ti khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện. Người bệnh cũng có thể nhiễm vi rút cúm do tiếp xúc, chạm tay vào bề mặt vật dụng bị nhiễm vi rút, chạm vào khăn giấy đã dụng có nhiễm vi rút sau đó đưa tay lên mũi, miệng hoặc dụi mắt. Việc dùng chung đồ dùng, ly uống nước hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh cũng có thể lây nhiễm vi rút cúm A.
Thời gian lây truyền virus cúm mạnh nhất từ 3-4 ngày sau khi phát bệnh. Nhóm đối tượng nguy cơ có thể lây truyền virus cúm trong thời gian hơn 7 ngày.
** Biểu hiện của bệnh:
Các triệu chứng của virus cúm A ở người cũng tương tự như các triệu chứng cúm theo mùa và bao gồm sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, nhức mỏi cơ thể, nhức đầu, ớn lạnh và mệt mỏi, đôi khi có thể tiêu chảy.
*** Để phòng ngừa cúm A, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp sau:
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi ra đường, trong mùa dịch cần tránh nơi đông người. Nhóm đối tượng nguy cơ như người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em... cần tránh tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc nghi ngờ mắc cúm.
- Khi có các triệu chứng cúm như: Sốt, ho, sổ mũi, đau đầu... nên đến các cơ sở y tế khám để xác định bệnh và có biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho những người xung quanh.
- Vệ sinh nơi ở, lớp học, nơi làm việc, lau chùi vật dụng, đồ chơi bằng dung dịch sát khuẩn.
- Không tự ý sử dụng thuốc nếu không có chỉ dẫn của bác sĩ, đặc biệt là thuốc kháng virus Tamiflu chỉ có tác dụng khi được sử dụng trong vòng 48h kể từ khi có triệu chứng cúm.
- Tăng cường sức đề kháng bằng cách nghỉ ngơi, ăn uống, sinh hoạt hợp lý, tập thể dục hàng ngày.
- Tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm cho trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn. Nhóm đối tượng nguy cơ cao cần được tiêm phòng trước mùa dịch, đặc biệt là trẻ em, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai....