Một tờ báo trong ngăn cặp, một tủ sách gia đình hay cả một thư viện quốc gia… đó không chỉ là nơi cất giữ những tập hợp kí tự ngôn ngữ đơn thuần. Trong cái vẻ lặng lẽ, chìm khuất, im lìm... ấy là cả một thế giới bao la với những cuộc đời, số phận; những bảo tàng tri thức nhân loại; những cánh cửa, khung trời đang khát khao khai mở; những nỗi niềm mong được sẻ chia... Đó là cả một thế giới diệu kỳ nhiều hứa hẹn.
Đọc, có phải được khởi phát từ khi con người bắt đầu xuất hiện nhu cầu rời khỏi ranh giới cá nhân bản thể, để bước chân vào địa hạt hay một khung trời mới, đặng muốn khám phá một điều gì khác lạ? Cũng là từ và bằng thị giác, nhưng đâu chỉ khuôn hạn trong việc đọc chữ, mà có lẽ cả trước khi có chữ, và rộng hơn nữa là bao gồm cả nhìn (kiểu như sau này gọi là “đuổi hình bắt chữ”)?
Những bức vẽ trên vách hang đá cổ thấp thoáng tiếng rìu thô sơ, bồi hồi cảm giác vị mồ hôi mằn mặn thấm rịn trên vai áo người xưa, và tươi rói nắm rau với mấy quả chuối rừng, ngoài kia gió u u chuyển mùa và đôi mắt nào sâu thẳm,…
Những chữ in trong sách báo, chữ nọ giằng níu chữ kia, thế rồi như thể bị hút hồn, bỗng chốc bị cuốn vào một thế giới - khi thì hăm hở nhiệt thành, khi lang thang dè dặt, khi lại tách ra, lùi xa ngắm nghía, khi vun vút bay qua khi suy tư chầm chậm…
Đọc có phải là cái đích? Hay đọc là động thái mở cửa, bước lên tầm bệ phóng, bởi đọc gắn liền với tưởng tượng - mà trí tưởng tượng từng tạo ra định luật hấp dẫn nhị thức Newton, câu chuyện buồn thảm về chàng Trixtăng và nàng Idơ, sự phá vỡ nguyên tử, tòa nhà của Bộ Hải quân ở Lêningrad, bức “Mùa thu vàng” của Levitan, bài “Mácxâye”, vô tuyến điện, hoàng tử Hamlet, tương đối luận và bộ phim “Bembi” - như K. Pauxtốpxki từng nói.
Bởi vì, gấp trang sách, gấp tờ báo, gấp mẩu tin,… thậm chí đã rất lâu, vậy mà sao có khi lòng dạ vẫn bời bời, khôn nguôi ám ảnh?
Con chữ có gì mê hoặc, có gì huyền bí mà người đọc cứ đời đời tự nhiên phải nối tiếp nhau? Vì tìm kiếm thông tin, hẳn thế. Nhưng phải chăng còn vì đắm mê sự tinh túy (dù vô ngôn hay hữu ngôn) cũng giàu sức gợi và đa tầng ngữ nghĩa, vì tài năng của người viết?
Vẫn là chuyện đọc, hẳn từng đã có không ít người đúc kết. Tuy biết vậy, nhưng trước mỗi mẩu thông tin vẻ như vụn vặt cho đến dày dặn trường thiên, vẫn luôn thấy bao gọi mời vẫn thấy bao hứa hẹn - kể cả khi cụ Nguyễn Du buông bút kết thúc kiệt tác “Truyện Kiều”: “Lời quê chắp nhặt dông dài…” thì thông điệp thẩm mỹ thấm đẫm nhân văn của bậc đại thi hào cách nay hàng trăm năm vẫn tỏa ra vô tận và lấp lánh với thời gian.
Đọc, như một hành trình tương tác, tạo môi trường để thay đổi kích cỡ tư duy và biên độ cảm xúc, nhận biết và phát triển trí năng tiềm ẩn. Bước vào thế giới của người viết, trên hành trình kiếm tìm tri âm, người đọc sẽ thấy rõ mình hơn. Kết nối sự kiện và hình ảnh quá khứ với hiện tại và viễn cảnh chưa từng có trong kinh nghiệm - đọc là vậy; mà đúng hơn, còn đọc thì còn cơ hội được thấy như vậy. Vẫn con đường ấy, vẫn những hàng cây, những gương mặt thân quen mưa nắng hằng ngày ấy,... mà bỗng một phút giây ngẫu nhiên hay hữu ý nào đó, nhờ đọc, lại cứ ngỡ mọi điều từng thấy ở trên kia như đang lộng lẫy tinh khôi từ những con chữ bước ra. Bởi vì bằng việc đọc, như thực hiện một phép hóa thân màu nhiệm mà không hề có sự biến ảo thần kỳ của ông tiên cổ tích, vẫn cảm nhận được vẻ đẹp của cô thôn nữ ấy, qua câu ca dao bao đời truyền miệng, được lưu lại theo trí nhớ, với nét duyên dáng nói cười đi đứng, và dường như giấu sau cái vẻ thẹn thùng e lệ là một tâm hồn tinh tế mãnh liệt nhường kia… Mỗi lần đọc như thể được một lần khám phá một thế giới mới mẻ biết bao kỳ thú.
Đọc, như một hành trình kiến tạo. Đọc không chỉ chiếm lĩnh thông tin mà còn gợi mở những con đường. Chắc không ít người muốn được như Bill Gates hoặc tương tự, và cũng biết đạt tới thành công như vậy không dễ dàng gì; song lại có thể dễ dàng chia sẻ khi ông tâm sự: “Tôi thực sự đã có rất nhiều ước mơ khi còn là một đứa trẻ, và tôi nghĩ không ít trong số đó đã trở thành hiện thực chính là nhờ tôi có cơ hội đọc rất nhiều”. Và, chắc không phải ngẫu nhiên mà mọi gia đình Do Thái ngay khi con còn nhỏ đều tổ chức nghi lễ “Hôn sách” - được xem là một nghi lễ quan trọng đầu đời, và đi đâu cũng cầm theo cuốn sách để xác lập một hình ảnh, tạo nên một thói quen cho trẻ.
Đọc, để những cổng trường mở ra. Đọc không chỉ là phương cách, mà đọc cũng là một chiến lược học tập. Trường học là nơi được khơi nguồn cảm hứng, được thắp lên ngọn lửa đam mê chinh phục những đỉnh cao, trang sách không chỉ là bài học mà còn tạo dựng nền tảng và hành trang đến tương lai.
Đọc, như được tặng những chuyến du lịch kiến văn dù có xa xôi đến mấy cũng không hề tốn kém. Thế giới trong hình dung, thế giới lùi vào ký ức, thế giới vừa ảo vừa thực đan quyện trong những kết nối đa chiều và vô cùng sinh động của cuộc sống.
Đọc là một loại hình lao động sáng tạo, sáng tạo đặc biệt. Steve Jobs đặt dòng chữ “Think difference” (Nghĩ khác) dưới biểu tượng quả táo khuyết cho công ty của mình để ngày nào nhân viên cũng đọc.
Không đọc, hoặc bỏ lỡ một cơ hội đọc khác gì tự hạn chế chính mình. Mỗi dòng chữ, và lớn hơn là mỗi cuốn sách - đều có thể gợi mở cho con người về một nhận thức, một ý tưởng; do đó đọc sách thực sự là một hành trình lựa chọn cơ hội để phát triển bản thân. Bởi đọc sách cũng là một công cuộc tìm kiếm chính mình trong thế giới bao la rộng lớn.
Đọc được cuốn sách quý không chỉ bổ sung dinh dưỡng tâm hồn mà còn được học những bậc thầy mà không dễ gì diện kiến.
Đọc, có khi không dưng lại thổn thức đầy vơi cùng lẽ đời, tình người, như là khế ước để hoàn thiện con người văn hóa: “…Những con chữ căng ta ra như sắp đứt dây đàn/ lại mê hoặc lại cồn cào cơn khát/ Những con chữ vô ưu chứa lửa nồng nàn/ Cho nghìn tuổi rồi bắt ta trẻ dại” (Phiêu cùng con chữ - trích trong tập “Năng lượng của sự có mặt” - NXB Hội Nhà văn, 2016). Bởi thế, đọc như là một nghiệp dĩ để tự học suốt đời./.
Theo T.S Nguyễn Trọng Hoàn
(Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Nguồn http://www.tapchicongsan.org.vn/