I. Quyền bầu cử của các cử tri
- Cử tri là người đăng ký thường trú tại khu vực bỏ phiếu
và cử tri là người đăng ký tạm trú, có thời gian đăng ký tạm trú tại
đơn vị hành chính cấp xã nơi có đơn vị bỏ phiếu từ đủ 12 tháng trở lên
thì được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và bầu cử
đại biểu Hội đồng nhân dân ở cả 3 cấp: cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã
(trừ nơi không có đơn vị hành chính cấp xã hoặc nơi thực hiện mô hình
chính quyền đô thị không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường).
- Cử tri là người đăng ký tạm trú tại đơn vị hành chính
cấp xã nơi có khu vực bỏ phiếu và có thời gian đăng ký tạm trú chưa đủ
12 tháng thì chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc
hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân
cấp huyện ở nơi mình tạm trú nếu có nguyện vọng tham gia bỏ phiếu tại
nơi tạm trú.
- Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang
chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện
bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và
đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm
giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai
nghiện bắt buộc.
II. Tại sao nói bầu cử là quyền và nghĩa vụ của công dân?
Quyền bầu cử là quyền chính trị cơ bản của công dân được
Hiến pháp và pháp luật quy định nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều
kiện thực hiện việc lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền
lực nhà nước. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân.
Thông qua bầu cử, công dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người
đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, thay mặt mình
thực hiện quyền lực nhà nước, góp phần thiết lập bộ máy nhà nước để
tiến hành các hoạt động quản lý xã hội. Vì vậy, thực hiện bầu cử là
trách nhiệm của công dân đối với đất nước.