Tính mạng, thân thể, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của mỗi con người là vốn quý, được pháp luật bảo hộ, không ai được phép xâm hại trừ những trường hợp luật định
Tính mạng, thân thể, sức khoẻ của con người là vốn quý. Bản thân mỗi người phải biết quý trọng, giữ gìn và bảo vệ. Đồng thời, cũng phải tôn trọng, bảo vệ, không được xâm hại đến tính mạng, thân thể, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của người khác.
Tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm của con người là quyền con người, được pháp luật bảo hộ, không ai được xâm hại một cách trái pháp luật. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật” (Điều 19); “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kì hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khoẻ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm” (Điều 20).
Cụ thể hoá Hiến pháp, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
1. Cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.
2. Khi phát hiện người bị tai nạn, bệnh tật mà tính mạng bị đe doạ thì người phát hiện có trách nhiệm hoặc yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có điều kiện cần thiết đưa ngay đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi gần nhất; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
3. Việc gây mê, mổ, cắt bỏ, cấy ghép mô, bộ phận cơ thể người; thực hiện kĩ thuật, phương pháp khám, chữa bệnh mới trên cơ thể người; thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất cứ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải được sự đồng ý của người đó và phải được tổ chức có thẩm quyền thực hiện.
Trường hợp người được thử nghiệm là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc là bệnh nhân bất tỉnh thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con thành niên hoặc người giám hộ của người đó đồng ý; trường hợp có nguy cơ đe doạ đến tính mạng của bệnh nhân mà không chờ được ý kiến của những người nêu trên thì phải có quyết định của người có thẩm quyền của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
4. Việc khám nghiệm tử thi được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có sự đồng ý của người đó trước khi chết;
b) Có sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con thành niên hoặc người giám hộ nếu không có ý kiến của người đó trước khi chết;
c) Theo quyết định của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp luật quy định.” (Điều 33)
Bộ luật Dân sự năm 2015 còn quy định:
1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Cá nhân có quyền yêu cầu Toà án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được huỷ bỏ.
4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố thông tin đó là không đúng.
5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.” (Điều 34)
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, việc bắt, tạm giữ, tạm giam người phải theo quy định của Bộ luật này. Nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kì hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khoẻ của con người.” (Điều 10)
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân, theo đó: “Mọi người có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản. Mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân đều bị xử lí theo pháp luật” (Điều 11).
Như vậy, mọi hành vi xâm hại đến tính mạng, thân thể, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm của người khác một cách trái pháp luật đều là hành vi vi phạm pháp luật, bị xã hội lên án, bị pháp luật trừng trị. Người thực hiện hành vi xâm hại đến tính mạng, thân thể, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm của người khác thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xem xét, xử lí theo pháp luật như truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người được quy định tại Chương XIV của Bộ luật hình sự năm 2015 và một số tội phạm khác được quy định tại Chương XV (các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân).