LỜI GIỚI THIỆU
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là cầu nối chuyển tải những nội dung pháp luật liên quan đến cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, giúp mọi người sống, học tập, làm việc theo quy định của pháp luật. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người học trong cả nước không chỉ là nhiệm vụ của ngành giáo dục, của các cơ quan nhà nước, các cơ sở giáo dục mà chính là nhiệm vụ của toàn thể nhân dân, của sự phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, thực hiện Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành Giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn tài liệu Cẩm nang phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh Trung học cơ sở. Cẩm nang nhằm giúp học sinh trung học cơ sở có những hiểu biết, nhận thức cơ bản về pháp luật; nhận biết hành vi tích cực được làm, được khích lệ, động viên; các hành vi tiêu cực, bị pháp luật nghiêm cấm, các hành vi vi phạm pháp luật bị xã hội lên án; hậu quả pháp lý bất lợi từ việc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật (cả hậu quả, tác hại đối với xã hội, với bản thân, với gia đình và những người xung quanh); cách phòng ngừa để không còn bị vi phạm. Từ đó nâng cao ý thức tự giác, xác định được trách nhiệm của bản thân và của những người xung quanh; phát hiện, thông tin kịp thời cho người có thẩm quyền để xử lí đối với các hành vi vi phạm.
Các nội dung pháp luật cần phổ biến, giáo dục trong cẩm nang được truyền tải thông qua các vụ việc, tình huống pháp lý cụ thể đang diễn ra hằng ngày mà học sinh thường tiếp xúc để giúp các em nhận thức rõ đâu là hành vi tích cực được phép thực hiện hoặc phải thực hiện, đâu là hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật để từ đó hạn chế hoặc không thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật. Việc thiết kế các tình huống dựa trên các quy định của pháp luật, nhất là các hành vi bị nghiêm cấm; kết hợp giữa nhận diện các hành vi tích cực được khích lệ với hành vi tiêu cực bị phê phán, lên án. Từ hành vi vi phạm dẫn dắt đến hậu quả, tác hại và biện pháp xử lí của Nhà nước; nhận diện nguyên nhân, điều kiện,... để phòng tránh. Với cách tiếp cận này, việc phổ biến, giáo dục pháp luật không còn khô khan, nặng nề mà còn giúp cho học sinh tiếp cận một cách chủ động, nhẹ nhàng, thoải mái và hiệu quả.