Trong những năm học vừa qua, trường THCS Nguyễn Lân không ngừng trưởng thành về mọi mặt vươn lên khẳng định bản lĩnh, vị thế của ngôi trường trẻ tuổi. Trên chặng đường phát triển của nhà trường, mỗi thầy cô giáo dưới mái trường THCS Nguyễn Lân luôn nêu cao tinh thần gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, phấn đấu trở thành “tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” để học trò noi theo. Cũng nhờ đó, phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được đẩy mạnh và góp phần tích cực trong quá trình nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Trong những tấm gương ấy, cô giáo Trần Thị Vân Anh - giáo viên bộ môn Ngữ văn, tổ Xã hội được biết đến là tấm gương sáng về sự đổi mới, sáng tạo, kiên trì trên hành trình giáo dục kiến thức, đạo đức bằng tình yêu thương cùng sự thấu cảm, sẻ chia; nhiệt huyết trong hành trình “truyền lửa” đam mê, sáng tạo đến thế hệ học trò.
Cô giáo Trần Thị Vân Anh sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Nghệ An hiếu học. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa Sư phạm Ngữ văn, ra trường với tấm bằng Giỏi, cô đã quyết định gắn bó, sinh sống và công tác tại mảnh đất Thủ đô, tham gia công tác giảng dạy tại các trường trung học cơ sở và gắn bó với mái trường THCS Nguyễn Lân. Nhắc đến cô, học sinh, phụ huynh, những đồng nghiệp đều thể hiện sự yêu quí và nể phục. Họ biết đến cô bởi lòng yêu nghề, sự hăng say trong công việc, sự đổi mới sáng tạo trong dạy và học và lòng nhiệt thành, hết lòng vì học sinh.
Cô giáo Trần Thị Vân Anh - Người mẹ hiền thứ hai truyền lửa đam mê, sáng tạo
Bằng tình yêu nghề mãnh liệt, cô Vân Anh luôn học hỏi, phấn đấu không ngừng về cả chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Trong suốt quá trình giảng dạy, cô đã khẳng định được năng lực, đạt nhiều thành tích, nhận được sự tin tưởng của lãnh đạo, sự tín nhiệm từ đồng nghiệp và niềm tin yêu, quý trọng của phụ huynh và học sinh. Trong những năm học công tác dưới mái trường THCS Nguyễn Lân, cô giáo Vân Anh luôn chú trọng quá trình tự điều chỉnh, trau dồi chuyên môn đi đôi với việc đổi mới, áp dụng các phương pháp dạy học phù hợp để phát huy tính chủ động, tích cực và tối ưu hoá năng lực tư duy của học sinh, giúp các em áp dụng những gì đã học vào các vấn đề hằng ngày và gỉải quyết các vấn đề thực tế.
Bên cạnh đó, cô Vân Anh còn không ngừng tìm tòi, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và tích cực phát huy tính sáng tạo trong quá trình chuyển đổi số quá trình dạy và học bằng những bài giảng sinh động. Với nỗ lực và sự cần mẫn đó, trong năm học 2020-2021, cô đã đạt giải Ba trong cuộc thi “Thiết kế bài giảng điện tử E-Learning” cấp Quận. Năm học 2021-2022, cô tiếp tục tham gia dự thi cuộc thi “Thiết kế bài giảng điện tử” của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, trong nhiều năm học liên tiếp, cô còn tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của nhà trường và dẫn dắt học sinh đạt được nhiều thành tích đáng tự hào. Và cứ thế, cứ thế, với lòng yêu nghề, mến trẻ cùng nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần ham học hỏi, cô giáo Trần Thị Vân Anh đã dần khẳng định mình ngày càng rõ nét trong công tác giảng dạy cũng như công tác chủ nhiệm.
Trên hành trình “dạy chữ”, cô Vân Anh luôn trăn trở với vấn đề “dạy người” trong trường học. Bởi vậy, khi đảm nhiệm vị trí giáo viên chủ nhiệm, cô giáo Vân Anh luôn chú trọng công tác giáo dục đạo đức và rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh và xác định đây là một quá trình lâu dài. Để hình thành những phẩm chất tốt đẹp, cũng như “chữa lành” những biểu hiện tiêu cực từ học sinh, cô luôn theo dõi, đồng hành, tư vấn mỗi khi nhận thấy các vấn đề khó khăn mà học sinh gặp phải trong quá trình học tập và trong mối quan hệ với gia đình, bạn bè; luôn quan tâm sát sao tới từng biểu hiện của học sinh. Điều mà tôi cũng như đồng nghiệp của mình luôn cảm phục là sự kiên trì, nhẫn nại của cô dành cho học sinh, đặc biệt là đối với học sinh cá biệt. Cô luôn nhìn nhận học sinh cá biệt từ một góc nhìn đặc biệt và coi những hành vi mắc lỗi của học sinh như hành vi thiếu tích cực để tìm ra phương pháp giáo dục hiệu quả. Không ít học sinh cá biệt với những biểu hiện “nổi loạn” của tuổi mới lớn đã nhận thức được việc làm tiêu cực của bản thân nhờ sự quan tâm cùng những bài học của cô. Tôi còn nhớ câu chuyện về một học sinh cá biệt hai năm về trước. Đó là một học sinh nam mới chuyển về trường với những biểu hiện như thường xuyên trốn học, sống cô lập, đến lớp với vẻ mặt mệt mỏi, tinh thần uể oải và hay gây gổ cùng các học sinh khác trong lớp, phản ứng lại thầy cô bằng sự lầm lì, chống đối dù gia đình em rất quan tâm, thường xuyên trao đổi với giáo viên về tình hình học tập của con… Cô Vân Anh đã đồng hành cùng học sinh bằng tình yêu thương, sự bao dung và không đầu hàng trước những phản ứng ngỗ nghịch. Trong những buổi tư vấn, cô luôn chia sẻ cho học sinh những câu chuyện khác nhau trong cuộc sống, tạo mối quan hệ thấu hiểu, quan tâm, lắng nghe giữa thầy và trò để tạo điều kiện cho học trò của mình diễn đạt ý nghĩ, bộc lộ cảm xúc và được thể hiện bản thân. Cô luôn tâm niệm đây là quá trình lâu dài và cần thiết để đi sâu tìm hiểu nguyên nhân của những hành vi trên, bởi với cô: “Điều đáng nuối tiếc nhất trong quá trình “dạy chữ”, “dạy người” là vô tình để tuột mất cơ hội vực dậy ý chí, niềm tin của những học sinh được coi là …. “cá biệt”. Sau khi tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình và nắm bắt được suy nghĩ tưởng chừng như không thể tâm sự cùng ai của cậu học trò, cô đã đưa ra phương án phù hợp để học sinh nhìn nhận trực diện những hành vi của mình, từ đó định hướng học sinh theo hướng tích cực bằng các biện pháp kỉ luật phù hợp để định hướng thái độ, việc làm tích cực. Và rồi, những lời chia sẻ đầy quan tâm, kết hợp cùng những biện pháp kỉ luật tích cực, những tập tài liệu, những tiết học ngoài giờ hỗ trợ các kiến thức nền của học sinh hay những mẩu tin nhắc nhở nhiệm vụ học tập được cô trao đi đã không vô ích. Cứ thế, sự kiên trì của cô đã đem đến sự thay đổi về về thái độ, hành vi của em học sinh trên. Em trở thành người chủ động trong các công việc chung của lớp, cải thiện ý thức học tập và thay đổi thái độ đối với thầy cô, bạn bè và gia đình thao hướng tích cực. Cô Vân Anh chia sẻ thêm: “Việc “trao niềm tin” cho học sinh cá biệt có hiệu quả giáo dục gấp nhiều lần so với những lời chỉ trích, chê bai”. Câu chuyện trên không chỉ thể hiện quan điểm giáo dục từ kỉ luật tích cực mà còn thể hiện rõ sự thấu hiểu tâm tư cùng tấm lòng yêu thương, bao dung của cô Vân Anh đối với thế hệ học trò.
Là một giáo viên biết lắng nghe, thấu hiểu và yêu thương các em học sinh chân thành, cô Vân Anh luôn chú trọng việc bồi đắp thế giới tâm hồn của học sinh từ những giá trị cốt lõi như tình cảm yêu thương, chia sẻ, quan tâm. Với quan điểm: “Chỉ có nguồn năng lượng của tình yêu thương mới là “chiếc nôi” hoàn hảo nhất để thực sự nuôi dưỡng tâm hồn, thúc đẩy quá trình “nên người” của các em”, cô luôn quan tâm sát sao tới những học sinh của mình, đặc biệt là những học sinh gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong quá trình học tập. Cô luôn tâm niệm: “Các em học sinh luôn cần một môi trường của sự an toàn, yêu thương, tôn trọng, cảm thông”. Câu chuyện đáng nhớ về một học sinh khiếm thính trong lớp cô chủ nhiệm đã thể hiện rõ tình yêu thương của một giáo viên hết lòng như thế. Vốn sinh ra là đứa trẻ lành lặn và khoẻ mạnh, nhưng một cơn sốt cao khi còn nhỏ đã khiến em học sinh kia mất đi thính lực và phải phụ thuộc vào máy trợ thính. Điều này đã trở thành một trở ngại trong quá trình em tiếp thu kiến thức, đặc biệt là quá trình giao tiếp, khiến em trở thành một cô bé tự ti, không dám hoà nhập với bạn bè xung quanh. Chia sẻ về học sinh trên, cô Vân Anh tâm sự rằng khi nhìn thấy con đứng trầm ngâm, lặng lẽ cuối góc lớp hay cuối góc hành lang để quan sát các bạn chơi đùa, cô đã tìm hiểu nguyên nhân; và khi hiểu được lí do khiến cô học trò nhỏ của mình mất đi thính lực, cô đã vô cùng xót xa và quyết tâm phải làm một điều gì đó để có thể giúp em tìm lại sự tự tin và niềm hi vọng trong cuộc sống, thực hiện những điều tưởng chừng như rất đỗi bình thường như những học sinh khác. Tôi thường bắt gặp cô dành thời gian ở lại lớp học sau khi hết tiết để tỉ mỉ giảng giải cho học sinh những kiến thức chưa nắm được và lắng nghe học sinh với nguồn năng lượng tích cực cùng khuôn mặt rạng rỡ. Phải chăng sự tâm huyết, hết lòng vì học trò thân yêu cùng nguồn sự tích cực, lạc quan từ cô đã khiến cho một học sinh vốn tự ti trở nên vui tươi và hoà đồng hơn. Một học sinh khác trong lớp cô kể lại rằng, cô Vân Anh thường dành những lời động viên, khích lệ trước toàn thể lớp về sự tiến bộ của học sinh khiếm thính. Điều này không những khiến em tự tin hơn về bản thân và biết cố gắng, nỗ lực mà còn khiến cho cả lớp khâm phục và ngưỡng mộ ý chí của em. Bức thông điệp gia đình, nhà trường luôn là điểm tựa vững chắc cho cho học sinh đã được cô truyền tới các em bằng những hành động, việc làm bình dị, thầm lặng, tưởng chừng như nhỏ bé nhưng ấm áp tình thương chân thành.
Không chỉ dừng lại ở đó, cô giáo Vân Anh còn là một giáo viên luôn nhiệt huyết trên con đường phát hiện, phát triển và bồi dưỡng năng khiếu vốn có của học sinh. Bên cạnh việc truyền tải kiến thức thông qua các tiết học trên lớp, cô luôn dành thời gian đưa ra những định hướng, đồng hành và khuyến khích học sinh tham gia các cuộc thi, hội thi và các phong trào thi đua, các hoạt động sáng tạo hỗ trợ dạy và học để hình thành và phát huy tối đa năng lực, tiềm năng vốn có của học sinh. Trong năm học 2021-2022, cô đã đồng hành, định hướng học sinh trong cuộc thi “Đại sứ văn hoá đọc” cấp trường, cấp thành phố. Đồng thời, cô còn là một trong những giáo viên năng nổ, tích cực hướng dẫn học sinh trường THCS Nguyễn Lân đại diện phường Thanh Xuân Nam tham gia “Hội thi thiếu nhi tuyên truyền, giới thiệu sách hè” năm 2022 với chủ đề: “Tiếp bước cha anh – Làm nghìn việc tốt”. Kết quả, sau nỗ lực tập luyện trong những ngày hè oi ả - quãng thời gian được coi là “kì nghỉ dưỡng, cô Vân Anh và học trò của mình đã đạt được thành tích xuất sắc trong hội thi với Giải Nhì chung cuộc và Giải chuyên đề xuất sắc nhất, đem lại đóng góp tích cực trong hành trình truyền bá văn hoá đọc. Những nỗ lực của cô qua từng năm học trong việc thúc đẩy hoạt động, phong trào đã thể hiện tinh thần trách nhiệm của một giáo viên luôn chú trọng kích hoạt tiềm năng vốn có của học sinh. Không chỉ dừng lại ở đó, mặc dù là giáo viên Ngữ văn những cô vẫn luôn sát sao, quan tâm, động viên học sinh của mình tích cực tìm hiểu, thử sức qua các kì thi Toán học như: Đấu trường Toán học Vioedu, Tư duy Thuật toán Bebras,…. Bởi vậy, ở lớp cô Vân Anh chủ nhiệm, các em học sinh luôn tìm ra nhiều cơ hội để phát huy năng lực bản thân. Nhờ sự nhiệt huyết, hết lòng vì học sinh thân yêu, cô đã phát hiện ra những tố chất của học sinh để tập trung bồi dưỡng, giúp các em phát huy cao độ năng lực của mình. Cô cho rằng các cuộc thi, hội thi cũng là một con đường, một phương pháp hữu hiệu để kích hoạt ý thức tự giác tìm tòi, sáng tạo của mỗi cá nhân học sinh nói riêng và phong trào thi đua của tập thể nói chung. Ngọn lửa yêu nghề, mến trẻ mãnh liệt từ cô đã thắp lên ngọn lửa của sự đam mê, sáng tạo của thế hệ học sinh thân yêu.
“Trên những nẻo đường của Tổ quốc xanh tươi, có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương, có những bài ca nghe rạo rực lòng người. Bài ca ấy, loài hoa ấy đẹp như em - người giáo viên nhân dân”. Giai điệu nhẹ nhàng, quen thuộc ca khúc “Bài ca người giáo viên nhân dân” ngân vang khiến tôi càng thêm tự hào và yêu tha thiết sự nghiệp “trồng người” cao quý. Dẫu biết rằng còn biết bao thách thức đang đặt ra cho thế hệ các nhà giáo, đặc biệt là trong bối cảnh “Đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục, nâng cao chất lượng dạy học”, nhưng tôi tin chắc rằng ngọn lửa yêu nghề, yêu người sẽ luôn rực sáng trong trái tim những người thầy chân chính.
Tấm gương về sự phấn đấu rèn luyện trau dồi đạo đức, tình yêu nghề nghiệp, trình độ chuyên môn không ngừng cùng tình yêu thương, sự thấu cảm dành cho thế hệ học trò của cô giáo Trần Thị Vân Anh – giáo viên Ngữ văn, trường THCS Nguyễn Lân đã góp phần thể tình yêu nghề giáo và trọn đời thuỷ chung, tâm huyết với nghề: “Viên phấn trắng hướng cuộc đời bay bổng - Mực đỏ chấm bài là máu chảy từ tim” (“Từ hai chữ giáo viên” – Lê Nghi)