Ngày nay, không thể phủ nhận những tiện ích mang tới cho con người của Internet thông qua sự đa dạng của các sản phẩm công nghệ như máy tính bảng, điện thoại thông minh... và mạng xã hội Facebook (FACEBOOK). Nhưng những mặt trái cùng ảnh hưởng tiêu cực của Internet đối với trẻ em đang là mối lo lắng lớn của mọi gia đình.
Lợi bất cập hại
Hiện nay, việc trẻ em nghiện các trò chơi trên điện thoại, máy tính bảng và facebook không còn là hiếm. Học sinh THCS, THPT khi sử dụng máy tính và điện thoại thông minh đều có facebook đã đành, nhưng có một số trẻ mới học lớp 1, 2 cũng đã có tài khoản facebook và bắt đầu làm quen, kết giao trên mạng. Bên cạnh lợi ích cung cấp thông tin mang tính chất cộng đồng, facebook còn là nơi phát tán nhiều thông tin “nhảm” nhất. Để gây ấn tượng, nhiều cô cậu học trò thay vì chia sẻ tình cảm về việc gắn bó với bạn bè, trường lớp, lại ngang nhiên thóa mạ chửi bới thầy cô và lập “Hội những học sinh ghét thầy, cô” trên facebook. Nhiều khi vì ấm ức, mà các em đã dùng những từ ngữ không hay công kích cả người thân trong gia đình trên mạng.
Hiện tượng vào mạng tán gẫu trên facebook đã trở thành thói quen của giới trẻ. Chỉ một ngày không mở facebook, nhiều em cảm thấy bứt rứt không yên. Thậm chí, có những em mắc “Hội chứng facebook” cho rằng đó là niềm đam mê “tìm hiểu xã hội”. Nhưng khi các em chìm đắm trong thế giới “ảo” và lạm dụng facebook thái quá sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, mắt, quên cả việc nhà, bỏ bê học tập khiến kết quả sa sút. Trẻ nghiện Internet còn ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển tâm sinh lý và hình thành nhân cách, dễ bị trầm cảm, béo phì… vì phụ thuộc vào công nghệ. Nhiều trẻ nhắn tin, gọi điện tùy tiện, nếu phụ huynh không kiểm soát được trẻ dễ bị người lạ lôi kéo, lợi dụng. Các em học sinh cũng có thể làm những điều dại dột (miễn là khác lạ), chụp ảnh đưa lên facebook nhằm câu like mà không hề biết tới hệ lụy của nó.
Cha mẹ cần hướng dẫn con cách sử dụng internet an toàn
Theo Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em Nguyễn Thị Nga, hiện nay ngày càng có nhiều trẻ em truy cập mạng trực tuyến. Ở khía cạnh tích cực, Internet mang đến cơ hội học tập và giáo dục rộng mở cho trẻ em. Song tham gia vào môi trường mạng, bên cạnh cơ hội được tiếp cận với nguồn thông tin phong phú, các em có nguy cơ chịu nhiều rủi ro hơn như bị lừa đảo, xâm hại tình dục, tiếp xúc với những nội dung xấu, sex và bạo lực…, từ đó hình thành những ứng xử không phù hợp với thực tế cuộc sống. Mạng Internet cũng là một nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ “nghiện” các ứng dụng xã hội, trò chơi dẫn đến các bệnh lý tăng động, mất tập trung, tự kỷ, chậm giao tiếp… ở trẻ.
Nhiều trẻ em được cha mẹ dặn dò không cung cấp thông tin về bản thân và gia đình cho người lạ. Nhưng khi tham gia trả lời các câu hỏi trên mạng, trẻ lại sẵn sàng điền đầy đủ thông tin này do các em không đủ nhận thức để phòng tránh những hậu quả khôn lường. Khi thông tin thuộc bí mật cá nhân bị tiết lộ, kẻ xấu sẽ sử dụng thông tin ấy vào các mục đích lôi kéo, kích động trẻ em vi phạm pháp luật... Chính vì vậy, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đang là vấn đề đáng báo động và cần được toàn xã hội quan tâm.
Cần phải làm gì để bảo vệ trẻ?
Theo ông Nguyễn Trọng Tiến (Trung tâm đào tạo và phát triển tài năng trẻ em iSmartKids): “Không thể “cô lập” trẻ với Internet và thiết bị công nghệ, đối với trẻ em từ 6 tuổi trở lên, cho phép trẻ làm quen với các thiết bị công nghệ và dạy trẻ sử dụng Internet là cần thiết. Ngăn cấm hoàn toàn trẻ sử dụng Internet cũng đồng nghĩa với việc ngăn trẻ hiểu biết xã hội, công nghệ và các ưu điểm to lớn mà Internet mang lại. Tuy nhiên, cha mẹ nên trang bị cho con cái những nguyên tắc, kỹ năng cần thiết khi con tiếp xúc với mạng… ”.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Lan, Ủy viên Ban Thường vụ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, muốn bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trước hết, bản thân trẻ và các thành viên trong gia đình phải phải nhận thức được nguy cơ và biết cách phòng ngừa, tự bảo vệ con em mình khỏi bị xâm hại. Để bảo vệ con trên môi trường mạng, các bậc cha mẹ có thể tham khảo vài gợi ý dưới đây:
Cho trẻ sử dụng Internet theo quy tắc của cha mẹ: Trước tiên, cha mẹ cần có một cuộc thảo luận cởi mở với trẻ về những quy định mà trẻ phải thực hiện khi dùng điện thoại, máy tính vào mạng Internet. Cần hạn chế tối đa và chỉ cho phép trẻ sử dụng Internet một số giờ nhất định vào buổi tối, sau khi hoàn thành việc học. Nếu các quy tắc này bị phá vỡ, trẻ sẽ phải chịu phạt hoặc bị cấm không được vào mạng trong thời gian do cha mẹ đề ra. Hãy nói cho trẻ biết lý do tại sao các quy định là cần thiết, chứ không phải đây là quy tắc cha mẹ áp đặt một cách mù quáng.
Không cho trẻ có máy tính trong phòng riêng: Cần đặt máy tính, laptop ở nơi mà cha mẹ có thể dễ dàng quan sát con. Như vậy, trẻ sẽ không có cơ hội vào các trang Web đen thiếu lành mạnh và cha mẹ có thể kiểm soát được nội dung truy cập của trẻ.
Kiểm soát những gì trẻ đăng tải trên mạng xã hội: Cha mẹ cần dạy con không nên kết bạn một cách tùy tiện. Đồng thời, phải biết con muốn chia sẻ hình ảnh gì với bạn bè và phân tích cho con nếu đưa những nội dung như hình ảnh cá nhân có tính chất riêng tư, địa chỉ, điện thoại gia đình, trường, lớp của con… lên các trang mạng xã hội, thì sẽ gặp những nguy hiểm tiềm ẩn như thế nào. Hãy hướng dẫn trẻ biết bảo mật thông tin cá nhân, chỉ nên đăng những nội dung và bức ảnh hoàn toàn vô hại không quá gây chú ý của mọi người.
Cha mẹ phải làm gương:
Điều này là rất cần thiết để trẻ noi theo cách sử dụng mạng xã hội lành mạnh và an toàn. Nếu cha mẹ cũng nghiện các trò chơi trên điện thoại, máy tính bảng cùng mạng xã hội FACEBOOK và sử dụng mọi nơi, mọi lúc sẽ tạo nên một tiền lệ xấu cho con. Cần biết tiết chế khi vào mạng xã hội và khuyến khích trẻ vào những hoạt động ngoài trời, học cách chăm sóc bản thân, học kỹ năng sống…
Các bậc phụ huynh cũng phải học kỹ năng tự bảo vệ trẻ em trên Internet. Không nên đăng tải những nội dung bất lợi cho con em mình. Bởi nếu thiếu kiến thức và kỹ năng, chính một số hành động của cha mẹ sẽ đẩy các em đến nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng.