1. Sơ cứu chảy máu cam
Tư thế ngồi, đầu hơi cúi về phía trước. Ở tư thế ngồi, áp lực máu trong tĩnh mạch ở vùng mũi giảm, giúp máu không chảy thêm. Ngồi ngả người về phía trước nhằm tránh máu chảy xuống họng gây nôn.
Bóp cánh mũi. Dùng ngón cái và ngón trỏ bóp chặt hai cánh mũi trong vòng 10 đến 15 phút, thở bằng miệng. Việc này thường giúp máu ngừng chảy.
Nếu sau 10 – 15 phút máu còn chảy, nhắc lại các bước trên trong 10-15 phút tiếp theo. Trường hợp vẫn tiếp tục không cầm được máu, cần đến cơ sở y tế để được xử trí.
Để phòng tránh chảy máu lại: không ngoáy mũi và cúi người trong vòng vài giờ kể từ sau khi chảy máu mũi. Trong khoảng thời gian này, cần giữ phần đầu cao hơn ngực. Có thể dùng tăm bông hoặc ngón tay bôi vaseline vào phần trước của vách mũi.
Nếu chảy máu lại: xì mũi thật mạnh để loại bỏ cục máu đông hình thành trong mũi. Sau đó sử dụng thuốc xịt mũi chứa oxymetazoline (Afrin), xịt cả hai bên mũi. Lặp lại các bước cầm máu đã nêu ở trên và liên hệ với bác sĩ.
2. Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
- Chảy máu mũi kéo dài trên 30 phút
- Ngất hoặc choáng váng
- Chảy máu mũi sau tai nạn, ngã hoặc chấn thương vùng đầu, bao gồm cả bị thương do bị đấm vào mặt
3. Khi nào cần điều trị?
Nên gặp bác sĩ khi bị chảy máu cam liên tục
Chảy máu mũi thường xuyên: Một số trường hợp cần điều trị bằng phương pháp đốt mạch máu mũi, có thể đốt điện, bạc nitrat hoặc laze. Bác sĩ có thể nhét meche hoặc đặt bong bóng cao su cho vào mũi rồi bơm căng để ngăn máu chảy.
Người bị chảy máu mũi thường xuyên nhưng đang phải uống thuốc chống đông máu, như aspirin hay warfarin (Coumadin, Jantoven), có thể sẽ được khuyên điều chỉnh liều dùng.
Thở oxy qua ống thông mũi cũng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu cam. Hãy tăng độ ẩm không khí trong phòng để làm giảm tình trạng chảy máu cam.