1. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đội TNTP Hồ Chí Minh
Đội TNTP Hồ Chí Minh có hai nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của tổ chức mình, đó là nguyên tắc tự nguyện và nguyên tắc tự quản có sự phụ trách của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
1.1. Nguyên tắc tự nguyện:
Nguyên tắc này thể hiện tính dân chủ của tổ chức Đội để đáp ứng nhu cầu của thiếu nhi trước khi vào Đội và của đội viên cùng với các tập thể Đội trong việc tự nguyện tham gia tích cực vào các hoạt động của Đội. Từ đó sẽ tạo cho đội viên có trách nhiệm xây dựng tổ chức Đội, xây dựng tập thể, đồng thời đòi hỏi Đội phải mở rộng các hình thức hoạt động cho phù hợp với nguyện vọng của đội viên và thiếu nhi.
1.2. Nguyên tắc tự quản dưới sự hướng dẫn của phụ trách Đội:
Nguyên tắc này thể hiện sự hoạt động của các đội viên dưới sự hướng dẫn của phụ trách Đội, nghĩa là khẳng định tổ chức Đội gồm đội viên và phụ trách Đội. Nguyên tắc tự quản dưới sự hướng dẫn, phụ trách của Đoàn được biểu hiện chủ yếu thông qua các hoạt động Đội. Đây là đặc trưng cơ bản nhất của tổ chức Đội với tư cách là một lực lượng giáo dục.
Sự phụ trách của Đoàn TNCS được thể hiện ở các mặt sau:
- Đề ra phương hướng, nhiệm vụ của tổ chức Đội trong từng thời kì.
- Quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ, Nghi thức Đội cho phù hợp với đường lối, quan điểm của Đảng, của Đoàn qua các nhiệm kì Đại hội.
- Củng cố, kiện toàn Hội đồng Đội các cấp để giúp đoàn phụ trách Đội.
- Cử cán bộ, đoàn viên có nhiệt tình, có năng lực phụ trách hướng dẫn hoạt động của các tổ chức Đội và cơ sở.
- Cung cấp kinh phí và các phương tiện hoạt động cho Đội
- Phối hợp với các lực lượng xã hội chăm lo cho hoạt động Đội, phong trào thiếu nhi và bảo vệ các quyền lợi của đội viên, thiếu nhi theo các luật quy định.
Sự tự quản của Đội thể hiện:
- Mọi công việc của Đội do tập thể và các đội viên bàn bạc quyết định.
- Các quyết định của Đội đều được thực hiện khi quá nửa số đội viên đồng ý. Nguyên tắc tự quản của Đội là thể hiện khả năng làm chủ của đội viên. Đây là một nguyên tắc cơ bản để xây dựng Đội vững mạnh.
2. Hệ thống tổ chức của Đội TNTP Hồ Chí Minh
Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh là tổ chức thống nhất trong cả nước. Cấp cơ sở của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh được thành lập ở các trường học, ở địa bàn dân cư bao gồm: Chi đội và liên đội (Trong các chi đội có các phân đội). Trên cấp liên đội là Hội đồng Đội do Ban Chấp hành Đoàn cùng cấp lập ra để giúp Đoàn phụ trách Đội. Hội đồng Đội các cấp vừa có tính chất đại diện cho tổ chức Đội, vừa có tính chất là người phụ trách Đội.
Hệ thống tổ chức của Hội đồng Đội gồm 4 cấp: Cấp xã, Cấp huyện, Cấp tỉnh, Cấp Trung ương. Đoàn khối, Đoàn ngành cần phân công cán bộ phụ trách công tác thiếu nhi. Hội đồng Đội các cấp hoạt động theo Quy chế Tổ chức và hoạt động của Hội đồng Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh do Ban Thường vụ Trung ương Đoàn ban hành.
Đội viên không chỉ được sinh hoạt ở một chi đội mà còn được sinh hoạt ở các chi đội, liên đội tạm thời ở các Nhà thiếu nhi, trường Đội, các hoạt động tập thể của Đội từ địa phương đến Trung ương. Khi sinh hoạt ở các chi đội, liên đội tạm thời, các em đều thực hiện theo Điều lệ và Nghi thức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
2.1. Cấp cơ sở của Đội Thiếu niên Tiền Phong Hồ Chí Minh bao gồm:
- Liên đội: Liên đội là cấp cao nhất của tổ chức Đội ở cơ sở. Mỗi liên đội có từ 3 chi đội trở lên. Liên đội được thành lập trong trường học, trên địa bàn dân cư và thành lập các liên đội, chi đội tạm thời để tổ chức các hoạt động theo Điều lệ và Nghi thức Đội ở các trường Đội, Nhà thiếu nhi và các hoạt động tập thể của Đội. Cấp liên đội mỗi năm đại hội 1 lần vào đầu năm học (với các chi đội, liên đội trong nhà trường) và đầu kỳ nghỉ hè (với các chi đội, liên đội ở địa bàn dân cư). Ban chỉ huy liên đội do đại hội bầu ra. Mỗi liên đội có 1 giáo viên tổng phụ trách là người thay mặt cho Đoàn Thanh niên trực tiếp phụ trách Đội.
- Chi đội: Chi đội là cấp cơ sở của Đội, mỗi chi đội có ít nhất từ 3 đội viên trở lên, chi đội có 9 đội viên trở lên có thể chia thành các phân đội. Chi đội được thành lập cả trong trường học, trên địa bàn dân cư và các chi đội tạm thời ở các trường Đội, nhà thiếu nhi và các hoạt động tập thể của Đội. Chi đội mỗi năm đại hội một lần, ban chỉ huy chi đội do đại hội bầu ra. Mỗi chi đội có một đoàn viên, cán bộ Đoàn được tổ chức Đoàn phân công trực tiếp phụ trách, hướng dẫn công tác Đội cho chi đội gọi là phụ trách chi đội.
2.2. Sao Nhi đồng trong các trường Tiểu học
Nhi đồng bao gồm các em từ 6 đến 8 tuổi do chưa có ý thức đầy đủ và chưa đủ năng lực để tự quản lý một tổ chức cho nên cần tập hợp để tiến hành các hoạt động thường xuyên phù hợp với nhi đồng là Sao nhi đồng. Nhi đồng là lực lượng dự bị của Đội. Bởi vậy tổ chức Đội và đội viên có nhiệm vụ dìu dắt nhi đồng, giúp đỡ các em sinh hoạt Sao cho đến tuổi thiếu niên (9 tuổi) và có đủ điều kiện để kết nạp vào Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, đây là trách nhiệm và vinh dự của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, là nhiệm vụ quan trọng mà Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh được Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tin cậy giao phó.
Mỗi liên đội, chi đội có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn hoạt động của nhi đồng theo Sao nhi đồng thuộc phạm vi trường mình, nơi ở của mình hoặc ở một trường kết nghĩa. Sao nhi đồng do Liên đội thành lập.
Mỗi Sao nhi đồng có ít nhất 5 em và cử ra một em làm trưởng Sao. Mỗi Sao có ít nhất một đội viên do chi đội cử ra làm phụ trách Sao. Hàng tuần phụ trách Sao hướng dẫn Sao cùng sinh hoạt, vui chơi tập thể ít nhất một lần. Hàng tháng hoặc vào những ngày lễ, các Sao trong cùng một lớp hoặc cùng một nơi ở cần được vui chơi, sinh hoạt chung do anh, chị phụ trách hoặc thầy, cô giáo trực tiếp hướng dẫn.
3. Hội đồng Đội các cấp
Hội đồng Đội TNTP Hồ Chí Minh (gọi tắt là Hội đồng Đội) là đại diện cho tổ chức Đội, do Ban Chấp hành Đoàn cùng cấp lập ra, giúp Đoàn phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh. Hệ thống tổ chức của Hội đồng Đội gồm 4 cấp: cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, cấp Trung ương.
Hội đồng Đội có những nhiệm vụ cơ bản sau:
- Giúp Ban Chấp hành Đoàn phụ trách công tác tổ chức và hoạt động Đội, phát triển phong trào thiếu nhi theo đường lối cuả Đảng.
- Nghiên cứu tham mưu với Ban Chấp hành Đoàn những chủ trương, nhiệm vụ giải pháp công tác Đội và phong trào thiếu nhi trong từng thời kì.
- Xây dựng kế hoạch, biện pháp tổ chức thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đoàn các cấp về công tác Đội và phong trào thiếu nhi.
- Tổ chức, hướng dẫn nghiệp vụ cho các Hội đồng Đội cấp dưới.
- Tổng kết, phổ biến, áp dụng những kinh nghiệm tiên tiến, những điển hình về công tác Đội và phong trào thiếu nhi.
- Thay mặt Ban Chấp hành Đoàn và tổ chức Đội phối hợp với các ngành các cấp chăm lo giáo dục thiếu nhi, chăm lo xây dựng cơ sở vật chất cho các hoạt động Đội.
- Chỉ đạo các trung tâm hoạt động của thiếu nhi, như: Cung thiếu nhi, Nhà thiếu nhi, điểm vui chơi, câu lạc bộ, các cơ quan xuất bản, báo chí tuyên truyền của Đoàn phục vụ thiếu nhi.